x

Nước Đức và cuộc Cách Mạng Công Nghiệp 4.0

Nước Đức và cuộc Cách Mạng Công Nghiệp 4.0 Du học nghề Đức

Đức là một trong những nước tiên phong trong phát động sự phát triển của CMCN 4.0. Dự án tương lai với tên gọi CMCN 4.0 (tiếng Đức là Industrie 4.0) lần đầu tiên được đề cập trong bản Kế hoạch hành động “Chiến lược công nghệ cao đến năm 2020” được Chính phủ Đức thông qua vào tháng 3/2012. Bản Kế hoạch hành đông này là kết quả của sự trao đổi sâu sắc giữa chính phủ Đức, ngành công nghiệp, các nhóm tư vấn và các công đoàn thương mại, trong đó vai trò của Chính phủ sẽ tập trung vào việc tạo điều kiện trao đổi và hỗ trợ R & D.

 

 

Bản Kế hoạch đã xác định 10 “dự án tương lai” trong đó CMCN 4.0 được coi là dự án trọng tâm để giải quyết và thực hiện các mục tiêu chính sách đổi mới hiện nay trong giai đoạn từ 10 đến 15 năm với nguồn kinh phí lên đến 200 triệu EUR nhằm khuyến khích sự phát triển của các “nhà máy thông minh” , dựa trên những thế mạnh của Đức trong lĩnh vực cơ khí. Bộ Liên bang về Giáo dục và Nghiên cứu (BMBF) sẽ thực hiện việc nghiên cứu cải tiến công nghệ thông tin - CNTT ( bao gồm cả các hệ thống CNTT cho CMCN 4.0). Thoả thuận liên minh lần thứ 18 được ký kết bởi chính phủ liên minh CDU - CSU - SPD ( Liên minh Dân chủ / Xã hội Cơ đốc giáo và Đảng Trung tả ) thành lập ngày 14 / 12 / 2013 cũng xác định dự án CMCN 4.0 là một biện pháp quan trọng để tăng cường vai trò dẫn đầu về công nghệ trong ngành cơ khí của Đức .

Về cách thiết lập và thực hiện CMCN 4.0, cũng trong năm 2012, nhóm công tác về CMCN 4.0 đã đưa ra các khuyến nghị cho Chính phủ liên bang Đức thành lập “ Công nghiệp nền tảng 4.0 ” (The Platform Industrie 4.0). Sáng kiến nổi tiếng này đã trở thành một trụ cột chính trong các cuộc hội thảo quốc tế tập trung vào tương lai của sản xuất. "Công nghiệp nền tảng 4.0 ” là một tổ chức đặc trách về CMCN 4.0, bao gồm một Ban chỉ đạo (các thành viên từ Chính phủ liên bang, các công ty, đại diện các hiệp hội nghề nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học) được hỗ trợ bởi Hội đồng Tư vấn khoa học, Ban thư ký “Công nghiệp nền tảng 4.0” là một bước quan trọng hướng tới việc đảm bảo rằng tiềm năng đổi mới CMCN 4.0 được nâng cao trong tất cả các ngành công nghiệp. Năm 2015, “Công nghiệp nên tảng 4.0” đã được mở rộng với sự hỗ trợ của Bộ Kinh tế và Năng lượng và Bộ Giáo dục và Nghiên cứu. Nhiều thành viên từ các khu vực tư nhân, các hiệp hội doanh nghiệp, các hiệp hội, các tổ chức nghiên cứu và các thể chế chính trị đã tham gia. Hiện nay, tổng cộng có hơn 300 thành viên từ 159 tổ chức đang hoạt động trong nền tảng này.

Trong dự án quốc gia về CMCN 4.0, Đức đặt ra mục tiêu đến năm 2020 trở thành nhà cung cấp dịch vụ tiên phong cho hệ thống thực tế ảo. Không giống như các quốc gia công nghiệp khác, Đức vẫn duy trì lực lượng lao động trong ngành sản xuất ổn định trong khi vẫn tích hợp các tiến bộ công nghệ mới vào các sản phẩm và quy trình sản xuất công nghiệp. Đồng thời, Dự án CMCN 4.0 còn đặt mục tiêu đảm bảo những ý tưởng hay được dịch chuyển nhanh thành các sản phẩm và dịch vụ sáng tạo. Bởi vì các giải pháp sáng tạo là những yếu tố thúc đẩy sự thịnh vượng và hỗ trợ chất lượng cuộc sống của quốc gia. Từ đó, nó sẽ củng cố và duy trì vị thế truyền thống của Đức như một quốc gia về sản xuất và cơ khí trong suốt quá trình chuyển đổi kỹ thuật số; đồng thời cũng để bảo vệ cả việc làm tại địa phương và việc đầu tư vào máy móc và nhà máy đã được thực hiện trong vài thập kỷ. Đức hy vọng có thể tìm ra những giải pháp sáng tạo cho những thách thức khẩn cấp của thời đại như những thách thức trong các lĩnh vực phát triển đô thị bền vững, năng lượng thân thiện với môi trường, y học cá nhân và xã hội kỹ thuật số.

Đức là một nước có ngành công nghiệp sản xuất hàng đầu thế giới, chiếm khoảng 1/3 giá trị gia tăng ở châu Âu; 70% GDP của Đức được tạo ra bởi các dịch vụ; Đức đã duy trì được vị trí sản xuất chính trong thời đại thay đổi toàn cầu, với sản lượng chiếm 1/4 GDP và một lực lượng lao động công nghiệp mạnh mẽ (khoảng 7 triệu người). Tuy nhiên, toàn cầu hóa đang làm Đức dần mất lợi thế cạnh tranh về giá trong việc sản xuất các sản phẩm công nghiệp, nên Đức cần tăng hàm lượng các gói dịch vụ và giải pháp công nghệ cao trong các sản phẩm công nghiệp cơ khí truyền thống của mình và qua đó sẽ bán được giá cao hơn. Do vậy, như ông Thomas Mosch, Trưởng bộ phận chính trị và doanh nghiệp của Hiệp hội Công nghệ thông tin và Truyền thông của Cộng hòa Liên bang Đức, đã nhận định, CMCN 4.0 chỉ có thể thành công khi có sự liên kết chặt chẽ giữa kỹ thuật điện, máy móc với các yếu tố công nghệ thông tin. Thêm vào đó, với danh tiếng là “ lò cung cấp nhà máy" hàng đầu trên thế giới với vị trí “lãnh đạo toàn cầu” trong lĩnh vực sản xuất thiết bị, nhờ chuyên môn trong nghiên cứu, phát triển và sản xuất, các công nghệ sản xuất tiên tiến và quản lý quá trình công nghiệp phức tạp, Đức là nơi lý tưởng để làm chủ những thách thức liên ngành của ngành công nghiệp tích hợp. Chính vì thế, Chính phủ liên minh đã lên kế hoạch để thúc đẩy phát triển hình thức số hóa ngành công nghiệp truyền thống thông qua việc mở rộng lĩnh vực “dịch vụ thông minh” cũng như tăng cường các hoạt động và dự án trong lĩnh vực “công nghệ thông tin xanh ”.

Để đạt được mục tiêu này, Đức đã xây dựng Chương trình nghị sự về hệ thống thực tế ảo phụ trách bởi Viện Khoa học và Công nghệ quốc gia. Chương trình này tích hợp các nghiên cứu về hệ thống thực tế ảo cho phép Đức định hình cuộc cách mạng về công nghệ, tạo lợi thế cạnh tranh và trở thành quốc gia tiên phong trong lĩnh vực này ở trên thế giới. Chương trình này xác định 4 lĩnh vực ứng dụng đến năm 2025 gồm năng lượng (hệ thống thực tế ảo cho đường dây truyền tải thông minh), công nghệ di động (hệ thống thực tế ảo cho công nghệ di động kết nối mạng lưới), sức khỏe (hệ thống thực tế ảo cho chăm sóc sức khỏe từ xa, hội chẩn từ xa), và công nghiệp (hệ thống thực tế ảo cho công nghiệp và sản xuất tự động hóa). Ngoài ra, Đức cũng đã tiến hành phát triển dự án nghiên cứu về các hệ thống sản xuất thực tế ảo (Cyber - Physical production systems) được thực hiện bởi Wittenstein AG bắt đầu từ năm 2012 với mục tiêu nghiên cứu và phát triển một loạt các mô đun hệ thống thực tế ảo tiêu biểu, để ứng dụng trong sản xuất và logistics.

CMCN 4.0 được triển khai thực hiện thông qua một chiến lược kép. Công nghệ cơ bản hiện tại và kinh nghiệm phù hợp với yêu cầu của kỹ thuật sản xuất và triển khai nhanh chóng trên phạm vi rộng rãi. Đồng thời, cũng cần nghiên cứu và phát triển các giải pháp sáng tạo cho các cơ sở sản xuất mới và thị trường mới. Nếu điều này được thực hiện thành công, Đức sẽ trở thành nhà cung cấp hàng đầu cho Industrie 4.0. Hơn nữa, việc thiết lập thị trường đi đầu sẽ làm cho Đức trở thành một địa điểm sản xuất hấp dẫn hơn và giúp bảo vệ ngành sản xuất trong nước.

Để hỗ trợ và thúc đẩy việc dẫn đầu CMCN 4.0, Đức đã đưa ra một loạt ưu tiên hành động, bao gồm:

  • Thiết lập và mở rộng các chương trình nghiên cứu và công nghệ với khả năng chuyên giao ứng dụng công nghiệp (ví dụ: công nghệ tự động, in 3D, dữ liệu lớn, điện toán đám mây và vi điện tử) trình độ cao.
  • Tạo ra các mô hình kinh doanh mới và các dịch vụ sáng tạo thông qua việc thúc đẩy và phát triển dữ liệu lớn và ứng dụng điện toán đám mây để cung cấp chế độ an ninh và bảo mật dữ liệu chặt chẽ.
  • Tiêu chuẩn hóa và tiêu chuẩn mở cho kiến trúc tham chiếu . Đẩy mạnh các chỉ tiêu và tiêu chuẩn để đảm bảo sự tích hợp liền mạch giữa công nghiệp truyền thống và ICT.
  • Đẩy mạnh an ninh và tự tin trong việc sử dụng các dịch vụ kỹ thuật số để tăng cường nhân tố an ninh kỹ thuật số.
  • Cung cấp cơ sở hạ tầng băng thông rộng toàn diện cho ngành công nghiệp.
  • Hỗ trợ các công ty công nghệ thông tin trong việc nỗ lực quốc tế hóa và tăng khả năng tiếp cận của họ đến nguồn vốn tăng trưởng.
  • Hỗ trợ việc chuyển giao kỹ thuật số trong các ngành truyen thông và sáng tạo để tạo ra các cơ hội nhóm khách hàng mới.
  • Tăng cường tính bền vững và bảo vệ môi trường (như là nhận thức và sử dụng môi trường CNTT).
  • Xây dựng quy phạm pháp luật cho việc tích hợp y học từ xa.
  • Đào tạo và tiếp tục phát triển chuyên môn cho CMCN 4.0

Ngoài ra, một chiến lược “Kết nối Thông minh được đưa ra để tạo thêm tăng trưởng và cơ hội hiệu quả thông qua ICT trong lĩnh vực giáo dục, năng lượng, y tế, giao thông và hành chính. Việc tạo ra một phương pháp chiến lược mang tính liên ngành hứa hẹn sẽ khai thác tiềm năng tăng trưởng cho toàn bộ nền kinh tế.

-> xem tiếp: "CMCN 4.0 tại Đức - thách thức và cơ hội"

 

Hải Hồ

Biên tập bởi MEC - cơ quan chủ quản của "Du học nghề Đức Vogel"

Cập nhật lần cuối: 29/03/2021 10:00:23 CH